Theo một số liệu thống kê từ năm 2014 do Nielsen tiến hành đã có tới 73% người tại Việt Nam chấp nhận trả mức giá cao hơn cho các sản phẩm từ những đơn vị có uy tín về CSR. Vậy CSR là gì mà lại có ảnh hưởng lớn đến như vậy?
CSR là gì?
CSR là từ viết tắt của cụm Corporate Social Responsibilities, có nghĩa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. CSR được các nhà học thuật xây dựng từ trước thế chiến thứ hai, sau đó phát triển rộng rãi vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Đến nay, CSR đã trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá doanh nghiệp, bởi chúng là bản cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế lẫn môi trường bền vững cho địa phương nói riêng, xã hội nói chung.
CSR được lồng ghép vào trong chiến lược của doanh nghiệp, trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển nhằm mang lại giá trị lợi ích thiết thực cho xã hội.
Tác động của CSR đến doanh nghiệp:
- Gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Bảo vệ danh tiếng, thương hiệu của doanh nghiệp.
- Thu hút nguồn vốn đầu tư để nâng cao chất lượng CSR.
3 cách truyền thông CSR hiệu quả cho doanh nghiệp
Muốn được nhiều người biết đến các giá trị CSR của doanh nghiệp, giải pháp hiệu quả nhất chính là truyền thông mạnh mẽ. Theo đó, có 3 cách mà các chuyên gia kinh tế đánh giá cao và khuyên các tổ chức áp dụng:
1. Truyền tải kiến thức chuyên môn đến xã hội: Là nền tảng phát triển sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách hàng nên chuyên môn chính là giá trị tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Các đơn vị có thể tận dụng nguồn tài sản này để biến chúng thành các kiến thức hữu ích, chia sẻ rộng rãi đến mọi người. Ví dụ như công ty dinh dưỡng có thể hướng dẫn cách nhận biết thông tin trên nhãn hiệu, lựa chọn sản phẩm phù hợp với giới tính,… Các nhà hàng có thể đưa ra lời khuyên về sử dụng thực phẩm sạch, lợi ích của ăn uống đúng cách,…
Tri thức không bao giờ là cũ, vậy nên đây là cách đơn giản nhưng luôn mang đến hiệu quả cho các tổ chức.
2. Phát triển chính sách cho nhân viên: Phúc lợi và chính sách dành cho nhân viên là một trong những lý do quan trọng để người lao động lựa chọn nơi làm việc. Do đó, chính sách càng cởi mở, tạo tiền đề cho cả hai phía cùng phát triển sẽ nhanh chóng thu hút ứng viên. Ngoài ra, khi nhận được phản hồi tốt từ đội ngũ nhân sự sẽ giúp đơn vị tăng thêm hình ảnh trên thị trường chung.
3. Hướng đến môi trường: Thân thiện với môi trường là một mục tiêu phát triển bền vững chung của nhân loại. Nếu doanh nghiệp của bạn làm được điều này, tức là đã tạo nên sự khác biệt với đối thủ, nhận được thiện cảm từ khách hàng. Đó cũng là lý do tại sao các nhà hàng, khách sạn hiện nay lại chú trọng đến việc phát triển xanh, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật thân thiện với môi trường.
Quá trình thực hiện CSR được đánh giá sẽ mang đến nhiều lợi ích kép cho doanh nghiệp. Chính vì thế, theo nhận định của chuyên gia kinh tế, CSR sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.